Giỏ hàng

Hữu cơ thế giới năm 2018

Xu hướng thực phẩm hữu cơ ngày càng thịnh hành tại Thụy Sĩ nói riêng và thế giới nói chung.

Tại Thụy Sĩ, doanh số bán lẻ rau củ và trái cây hữu cơ tiếp tục tăng mạnh, phổ biến nhất là cà rốt, cà chua, tiêu, táo, chuối và chanh. Theo Văn phòng Nông nghiệp Liên bang Thụy Sĩ (FOAG), từ tháng 9-2017 đến tháng 8-2018, doanh số các mặt hàng này đã tăng thêm lần lượt là...

Xu hướng thực phẩm hữu cơ ngày càng thịnh hành tại Thụy Sĩ nói riêng và thế giới nói chung.

Tại Thụy Sĩ, doanh số bán lẻ rau củ và trái cây hữu cơ tiếp tục tăng mạnh, phổ biến nhất là cà rốt, cà chua, tiêu, táo, chuối và chanh. Theo Văn phòng Nông nghiệp Liên bang Thụy Sĩ (FOAG), từ tháng 9-2017 đến tháng 8-2018, doanh số các mặt hàng này đã tăng thêm lần lượt là 7% và 13%. Trong khi đó, doanh số bán rau củ thông thường giảm 3%, doanh số bán trái cây thông thường chỉ tăng 1%. Chủng loại rau củ và trái cây hữu cơ cũng gia tăng đáng kể.

Trong năm 2017, doanh số bán thực phẩm hữu cơ Thụy Sĩ đạt 2,6 tỉ USD, tăng 8% so với năm trước, thị phần tăng từ 8,4% lên 9%, diện tích đất canh tác tăng lên 14,4%. Tổ chức nông nghiệp hữu cơ Bio-Suisse (Thụy Sĩ) cho biết sữa và phô mai hữu cơ là 2 mặt hàng mang lại lợi nhuận cao nhất.

Tương tự, thị trường thực phẩm hữu cơ thế giới tiếp tục đà tăng trưởng của những năm trước. Theo giới chuyên gia, doanh thu thực phẩm hữu cơ toàn cầu trong năm 2017 đã vượt mức 95 tỉ USD, trong đó châu Âu chiếm 37 tỉ USD.

Thị trường thực phẩm hữu cơ đang tăng trưởng mạnh mẽ tại các quốc gia châu Âu, đặc biệt là Đức, Pháp và Đan Mạch. Thị trường thực phẩm hữu cơ Đức đã vượt mức 11 tỉ USD trong khi con số này ở Pháp là 9,4 tỉ USD, tăng gấp đôi trong vòng 5 năm. Đan Mạch tiếp tục là quốc gia hữu cơ đứng đầu châu Âu khi doanh thu thực phẩm hữu cơ tăng thêm 23% trong năm 2017, nâng thị phần hữu cơ lên 13,3% và vượt xa Đức (5,4%), Pháp (4,2%). Kết quả này là thành công lớn của cả chính phủ lẫn người dân Đan Mạch. Trong suốt khoảng 3 thập kỷ qua, chính phủ Đan Mạch ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp hữu cơ trong khi người dân thể hiện sự ủng hộ nhất quán đối với thực phẩm sạch.

Dù đạt được nhiều thành tựu, châu Âu vẫn đứng thứ 2 thế giới về thực phẩm hữu cơ, xếp sau Bắc Mỹ. Năm 2016, doanh thu hữu cơ Bắc Mỹ tăng 1,4%, đạt mức 38 tỉ USD. Số liệu được Liên đoàn Quốc tế các Phong trào nông nghiệp hữu cơ (IFOAM) công bố tại triển lãm hữu cơ hàng đầu thế giới BIOFACH 2018 cho thấy xu hướng tăng này sẽ tiếp tục trong những năm tới. 

Nguồn: Cao Lực